Năm Lòng thương xót bao la
Ơn Cha đổ xuống cho ta hưởng dùng
Trở về trong mái nhà chung
Lãnh ơn "Toàn Xá" hiệp cùng muôn dân.
Một chuyến hành hương "Năm Thánh Từ Bi" gồm Đức, Mỹ, Hòa Lan, Đan Mạch tổng cộng 49 người từ ngày 11 đến 17.06.2016 do anh trưởng phái đoàn Hội Vicentê Nguyễn Văn Rị đứng ra tổ chức và đặc biệt được Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải đang tu học tại Rôma hướng dẫn, đồng thời có Lm Gioan Đinh Công Lịch đang tu học tại Rôma, Lm. Antôn Nguyễn Bá Tòng, Lm Đaminh Phạm Văn Phúc dòng CCT. trợ giúp.
Ngày đầu tiên đến phi trường và xe Bus đón chúng tôi tập trung về nhà dòng Foyer Phát Diệm. Lm. Gioan Trần Mạnh Duyệt du học Roma từ năm 1965 từng làm Cha xứ của Ý, nay ngài về làm Giám đốc Foyer Phát Diệm. Soeur Bề trên Anna Maria Phạm Thị Kim Tuyến, qúy Sơ ở đây vui vẻ, hát hay, đàn giỏi, phục vụ tận tình lịch sự. Đặc biệt các món ăn quê hương, mảnh vườn đầy bông hoa, trái cây và trồng rất nhiều loại rau của Việt Nam tạo cho chúng tôi cảm giác gần gũi và thân thương ngay từ lúc mới đến đây.
Sau bữa cơm chiều và một đêm ngủ an bình . Sáng hôm sau chúng tôi được cha Phêrô Nguyễn Văn Khải dẫn đường về xe Bus hướng miền nam của nước Ý đi Napoli viếng Vương Cung Thánh Đường Thánh Anphongso Maria de Liguori. Lm Luciano Panella bề trên dòng Chúa Cứu thế ở đây rất vui vẻ, ngài đã hướng dẫn và giải thích cho chúng tôi thăm viện bảo tàng thánh Anphongsô vị thánh tổ sáng lập dòng Chúa Cứu Thế và là vị giảng thuyết lừng danh đã sống và qua đời tại nơi đây. Rất nhiều những đồ đạc phòng ngủ của ngài vẫn còn lưu giữ như cũ.
Alfonso Maria de' Liguori (tên Việt phiên âm: An Phong hoặc Anphonsô, là vị thánh tổ sáng lập ra Dòng Chúa Cứu Thế. Là một trong những nhà thần học luân lý lừng danh nhất trong lịch sử Giáo hội Công Giáo. Tổng số tác phẩm của ngài lên đến 111 quyển bao gồm các lĩnh vực luân lý, tín lý và tu đức. Nhiều quyển đã được dịch ra tới 72 ngôn ngữ.
Ngài được Giáo Hoàng Piô VII tôn phong Chân phước ngày 15.09.1816. Tôn phong Hiển Thánh ngày 26.05.1839. Tôn phong Tiến sĩ Hội thánh 1871.
CUỘC ĐỜI DIỆU KỲ CỦA THÁNH NHÂN:
Thánh Anphongsô là một luật sư bách thắng, nhưng thánh ý Chúa để cho ngài như một Phaolô ngã ngựa trên đường Damas vì thua một vụ kiện. Và từ đây cuộc đời ngài đã nhận ra tiếng Chúa gọi. Thanh bảo kiếm đặt dưới chân Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi nói lên sự từ bỏ danh vọng, quyền hành, địa vị, chức tước. Thánh Anphongsô đã nhận ra cái phù phiếm của cuộc đời:” Phù vân. Tất cả đều là phù vân”. Thánh Anphongsô chọn Chúa làm gia nghiệp cho cuộc đời mình để thực thi Lời thánh Kinh:
"Hãy đi bán hết những gì con có đem cho kẻ nghèo khó và sau đó đến đây theo Thầy"( Lc 18, 22 ; Mt 19, 21 ).
VIẾNG ĐẾN THÁNH GIÊRAĐÔ
Sau bữa cơm trưa xe bus đưa chúng tôi lên đường viếng trung tâm ĐỀN THÁNH GIÊRAĐÔ.
Đây là một trung tâm rất lớn và rất đẹp nằm ở trên đỉnh đồi Maiella, Materdomini, Campania.
Sau khi nhận phòng để ngủ qua đêm tại khách sạn kế bên đền thánh Giêrađô, chúng tôi được Lm Phêrô Khải dẫn đi thăm đền thánh. Một Sr đã giải thích cặn kẽ, ngài thông dịch lại rõ ràng và lưu loát cho chúng tôi tất cả những di tích thánh Giêrađô tại đây. Từ căn phòng thánh Giêrađô qua đời cho đến vô vàn phép lạ ngài làm và tràn đầy một căn phòng lớn những hình ảnh, những trái tim tạ ơn treo đầy tất cả trần nhà và kín chung quanh rất đẹp và ấn tượng.
Sau một đêm ngủ an lành trong an bình, sáng sớm phái đoàn chúng tôi dâng thánh lễ tại nhà nguyện chính nơi mộ thánh Giêrađô, với ý chỉ đặc biệt cho vị đại ân nhân của những người Việt TNcs ở Đức là Tiến Sĩ Rupert Neudeck, và cho Quê Hương Việt Nam được mau thoát ách cộng sản vô thần.
Dòng Chúa Cứu Thế ngoài vị thánh tổ Anphongsô sáng lập dòng ra, còn có vị nổi bật nhất là thánh Giêrađô Majella, Vị thánh hay làm phép lạ vị thánh của các thai phụ, v.v...
Ngài mất vào ngày 16.10.1755 lúc mới 29 tuổi.
29.01.1893 ĐGH. Lêô XIII phong chân phước.
11.12.1904 ĐGH Piô X phong tuyên hiển thánh.
VIẾNG ĐỀN ĐỨC MẸ MÂN CÔI POMPEI.
Ngài mất vào ngày 16.10.1755 lúc mới 29 tuổi.
29.01.1893 ĐGH. Lêô XIII phong chân phước.
11.12.1904 ĐGH Piô X phong tuyên hiển thánh.
VIẾNG ĐỀN ĐỨC MẸ MÂN CÔI POMPEI.
Sau giờ điểm tâm chúng tôi lên đường đến viếng đền thánh nổi tiếng thế giới Đức Mẹ Mân Côi Pompei và thành cổ Pompei.
Thành cổ Pompei có khoảng 7 thế kỷ trước Công nguyên. Là di tích lịch sử thế giới đã được UNESCO công nhận là một trong những điểm thu hút đông khách du lịch nhất tại Ý. Với khoảng 2,6 triệu du khách mỗi năm, đã bị núi lửa Vesuvius phun trào chôn vùi luôn hai thành phố vào năm 79 sau Công nguyên. Người ta chỉ khám phá ra vào năm 1738 bởi các công nhân đang xây dựng móng một cung điện mùa hè cho Vua Naples,
VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC MẸ MÂN CÔI TẠI POMPEI
Nói đến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi Pompei và thành phố Pompei thì phải nói đến vị Chân phước Batôlô Lônggô người đã vẽ kiểu và khai sinh ra Vương cung thánh đường và thành phố này.
Ông sinh ngày 11 tháng 2 năm 1841 và qua đời tại Pompei ngày 5 tháng 10 năm 1926. Ông là một luật sư, một kiến trúc sư và là người truyền bá kinh Mân Côi theo đường lối của thánh Đaminh. Một người đã tận hiến cả đời mình cho Chúa và Đức Mẹ trong công việc từ thiện giúp đỡ các trẻ em nghèo con của các tù nhân, các người nghèo và đặc biệt trong việc cổ động kinh Mân Côi cũng như công cuộc truyền giáo.
Ngày 26 tháng 10 năm 1980, Ba-tô-lô Lông-gô đã được Đức Gio-an Phao-lô II tôn phong chân phước và dâng tặng tước hiệu "Người của Đức Mẹ" và "Tông Đồ kinh Mân Côi." Chiều tối chúng tôi trở về đến nhà dòng Foyer dùng cơm chiều và nghỉ đêm.
VIẾNG ĐỀN THÁNH PHÊRÔ:
- Sáng sớm phái đoàn dâng thánh lễ tại nhà nguyện của nhà dòng, sau đó ăn sáng và lên đường hành hương viếng đền thánh Phêrô. Cha Phêrô Khải đã đưa chúng tôi đi bộ đúng theo lộ trình từ xa tiến vào ngõ chính của đền thánh, khi còn cách một cây số thì trình giấy và nhận một cây Thánh Giá để một người trong phái đoàn vác đi trước, đoàn vừa đi vừa lần chuỗi theo sự hướng dẫn của Lm. Antôn Nguyễn Bá Tòng chúng tôi đã tiến vào "Cửa Thánh" của "Năm Thánh Từ Bi".
Có lẽ phái đoàn chúng tôi được vinh dự vào đền thánh Phêrô đầu tiên của ngày hôm nay nên chúng tôi thong thả đi đến tận bàn thờ chính nơi có mộ của thánh cả Phêrô Tông Đồ. Nơi đây chúng tôi đứng quây quanh mộ thánh Phêrô đọc kinh để đón nhận "Ơn Toàn Xá" và cầu nguyện cho đất nước, quê hương và dân tộc Việt Nam.
Sau đó được cha Phêrô Khải giải thích tỉ mỉ rõ ràng những chi tiết trên cung thánh và trong đền thánh này, đi tiếp xuống viếng hầm mộ các Đức Giáo Hoàng. Xong phần viếng mộ cha dẫn lên và tiếp tục giải thích thêm về các nhà nguyện chung quanh trong lòng nhà thờ thì ôi thôi người ở đâu ra mà đã đông nghẹt cả. Thật là một sự vinh hạnh cho phái đoàn chúng tôi vì có cha Phêrô Khải đang học ở đây về chuyên ngành lịch sử Giáo hội và cũng là nghành hướng dẫn viên chuyên nghiệp nên mọi cái cha đều nắm rõ và giải thích cặn kẽ cả.
Vài đặc điểm của Ðền Thánh Phêrô
Ðền Thánh Phêrô vẫn là thánh đường có kích thước lớn nhất thế giới Kitô giáo. Từ nền tầng hầm Ðền Thờ tới mái vòm cao 136 mét, từ nền Ðền thờ là 133 mét. Nguyên diện tích đền thờ, không kể nhà mặc áo, có diện tích hơn là 22,067 mét vuông. Mặt tiền đền thờ, giống như một sân túc cầu, cao 46 m và chiều ngang 115 m. Các cột cao gần 29 mét, đường kính 2.65 m. Tiền đường từ vòng cung Carlo Magno tới vòng cung Costantino dài 140 m. Chiều ngang đền thờ là 150 m chiều dài đền thờ là 187 m. Ðền Thánh Phêrô có thể chứa được 54 ngàn người nếu đứng chật hết mọi chỗ kể cả các gian lối đi.
Trong Ðền Thờ có 46 bàn thờ, bàn thờ cuối cùng được Ðức Piô 9 (1846-1878) thánh hiến ngày 16-1-1856. Có 9 bàn thờ dâng kính Ðức Mẹ dưới nhiều tước hiệu khác nhau. Tầng hầm đền thờ, nền tương ứng với nền nguyên thủy từ thời hoàng đế Costantino. Trong tầng hầm này có nhiều nhà nguyện chung quanh mộ thánh Phêrô, với những bàn thờ để các linh mục cử hành thánh lễ. Mộ của 147 trong tổng số 264 giáo hoàng cũng được đặt tại đây".
Viềng nhà thờ Đức Mẹ Scala hiệu tòa của ĐHY PX. Nguyễn Văn Thuận
Sau khi viếng đền thánh Phêrô chúng tôi đi viếng mộ Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại nhà thờ Đức Mẹ Scala hiệu tòa của ngài. Chúng tôi cùng đọc kinh cầu nguyện cùng ngài, xin ngài phù trợ cho đất nước Việt Nam được tai qua nạn khỏi, được thoát ách tà thuyết vô thần để khỏi mất nước vào tay tàu cộng. Hiện nay ngài đã được Giáo hội nâng lên Đấng Bậc Đáng Kính (Venerable).
VIẾNG ĐỀN THÁNH PHAOLÔ NGOẠI THÀNH VÀ BƯỚC VÀO CỬA THÁNH:
Vương Cung Thánh đường Phaolô là Tông Tòa Giáo Hoàng, là một trong bốn Vương Cung Thánh Đường lớn nhất của Vatican đang mở cửa "Năm Thánh Từ Bi" cha Lịch hôm nay thay cha Khải giải thích khá rõ ràng và tỉ mỉ.
Lịch sử Ðền Thánh Phaolô ngoại thành
(Tiếng Ý: Basilica Papale di San Paolo fuori le Mura, có tên khác là Nhà thờ Thánh Phaolô) Đây là một trong bốn Đại Vương Cung Thánh Đường lớn nhất của Vatikan "Năm Thánh Từ Bi" ĐGH cho mở cửa Thánh để khách hành hương lãnh ơn toàn xá, và khách hành hương không nên bỏ qua mỗi khi đến Giáo Đô Rôma.
Dưới bàn thờ chính hiện nay, có một tấm đá bằng cẩm thạch 2.12×1.27 mét, có ghi hàng chữ: “Paolo Apostolo Mart” (Dâng kính Tông Ðồ Phaolô Tử Ðạo). Ðây chính là mộ của thánh Phaolô Tông Ðồ. Ở đây cũng có một hòm kính trong đó có sợi dây xích thánh nhân khi bị bắt giam trong tù còn lưu giữ.
Theo tài liệu Thánh Phaolô đã bị chặt đầu tại tu viện Trois-Fontaines Thánh đường to lớn hơn được xây năm 386 được hoàn thành dưới thời Hoàng Ðế Onorio năm 395. Thánh đường có 5 gian, có 4 hàng cột phân ra, gồm 80 cột cẩm thạch. Là thánh đường lớn nhất của Kitô giáo trước khi Ðền Thờ Thánh Phêrô được kiến thiết. Suốt trong 15 thế kỷ Vương Cung Thánh Ðường nhiều người đến thăm và cầu nguyện.
Thánh đường mới được khánh thành năm 1854, công trình tái thiết kéo dài 100 năm. Năm 1928 xây thêm 4 cổng 100 cột, do kiến trúc sư Guglielmo Calderini. Khuôn viên bên ngoài nhà thờ có 150 cột, tất cả đều là một khối duy nhất. Cửa đồng là một kiệt tác của nghệ thuật Bizantine do Giovanni VII đặt làm ở Constantinople.
Thánh đường dài 136 m, rộng 65 m, cao 29.7 m. có 5 gian, được chia bằng 24 cột, trên trần nạm vàng hình ảnh đẹp lộng lẫy, chung quanh trên những đầu cột theo hình chữ nhật có chân dung 265 vị Giáo Hoàng, từ thánh Phêrô cho đến Ðức Benedict XVI và Phanxicô, phần cuối bên tay phải nhìn lên còn những hình tròn trống cho chân dung các ĐGH kế tiếp. Bức tranh khảm ở hậu cung do các hoạ sĩ miền Venezia thế kỷ 13 thực hiện.
THĂM VIẾNG HANG TOẠI ĐẠO
- "Hang Toại Đạo Thánh Callistô" (Catacambe Di.S Callisto)
Đây là hang toại đạo quan trọng nhất Roma. Thầy sáu Callisto là người cộng sự thân cận của Đức giáo hoàng Zeferino (199-217) năm 217, ngài được chọn làm đấng kế vị lèo lái con thuyền Giáo Hội dưới thời hoàng đế Antonio Heliogabale.
Đây cũng là nơi chôn cất chính thức của các Giáo Hoàng, từ Đức Giáo Hoàng Callisto trở đi cho đến cuối thế kỷ III. Các phần mộ này được Đức Giáo Hoàng Callisto nới rộng, sau đó Đức giáo hoàng Damacos cho trang hoàng với những bức tranh vẽ trên tường và được tôn kính cho đến thế kỷ XV.
Hang Toại Đạo này gồm 4 tầng nhưng chỉ có thể thăm tầng 2. Nơi có nhà nguyện các ĐGH. Tại đây đã có 9 Thánh Giáo Hoàng được chôn cất, trong số đó có: Thánh Sistô II, Thánh Anterô Thánh Fabianô, Thánh Luciô I và Thánh Eutichianô. Bia mộ khác bằng nguyên ngữ Hy Lạp. Cuối nhà nguyện, gian bên cạnh là mộ thánh nữ Cecillia Đồng Trinh Tử Đạo. Khi bị hành quyết nàng không nói được vì bị cắt vào cổ nhưng vẫn giơ lên 3 ngón tay biểu tượng thờ một "Thiên Chúa Ba Ngôi". Nơi đây có nhiều bức tranh Byzantin thuộc các thế kỷ VII và VIII.
Ðoàn hành hương viếng thăm nhà thờ "Quo vadis".
Quo Vadis? là một cụm từ tiếng La tinh có nghĩa là "Thầy đi đâu?". Cụm từ này dùng để chỉ một câu chuyện được lưu truyền trong Kitô giáo, liên quan đến hành động của thánh Phêrô. Đang khi chạy trốn để tránh khỏi việc bị kết án đóng đinh ở Rôma, Phêrô đã gặp Chúa Giêsu, ông hỏi Chúa: "Quo vadis, Domine?" ("Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu?"), Chúa Giêsu trả lời: "Eo Romam crucifigi iterum" ("Thầy vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa"), ngụ ý nhắc nhở Phêrô phải can đảm tiếp tục sứ vụ của mình. Cuối cùng, ông đã quay trở thành Rôma để chịu kết án, và chịu tử đạo. Ông xin đóng đanh ngược đầu xuống dưới vì tông đồ cả Phêrô cảm thấy không xứng đáng chịu đóng đanh bình thường giống như Thầy mình.
Tiếp Kiến Đức Giáo Hoàng tại Quảng Trường thánh Phêrô.
Phải phục cha Phêrô Khải ngài sắp xếp chương trình rất hay và đúng giờ nên phái đoàn Việt Nam ta và gần như vào trước tiên và ngài dẫn lên chỗ gần và tốt nhất.
Hôm nay chúng tôi cũng gặp được Đức Ông Giuse Hoàng Minh Thắng ở Rôma, và 2 phái đoàn từ Hoa Kỳ sang hành hương của Lm. PX. Trần Quốc Tuấn và Lm. Châu. Thật đúng không hẹn mà hò vì cả 3 phái đoàn đều mang theo những lá cờ Vàng Ba sọc đỏ linh thiêng của Tổ Quốc, nên hôm nay Hoàng Kỳ trên giữa Quảng trường thánh Phêrô tung bay rực trời, thật là đẹp và đầy ý nghĩa. Mọi người chờ đợi ĐGH đi ngang những hàng ghế gần mình để chụp hình và chào ngài.
Quảng trường đầy cả nhưng rất nghiêm trang và trật tự. Các ĐÔ. đọc tên và giới thiệu từng nước và những phái đoàn tham dự hôm nay, phái đoàn Việt Nam luôn là được giới thiệu gần cuối vì họ đọc tên theo bảng chữ cái nhưng khi xướng đến tên là cả khu vang dội và cờ vàng bay phất phới.
Chờ đợi hồi lâu và rồi ĐGH cũng xuất hiện tiếng hò reo vang dậy cả quảng trường thánh Phêrô. Hôm nay ngài xuống thăm giáo dân có phần đi nhanh hơn những ngày bình thường, nhưng mình cũng chụp được một số hình ảnh ngài khi đến gần cách khoảng 1-2m, và may mắn trong phái đoàn có một chị được bắt tay ngài và vài người được đụng đến ngài.
Ngài cũng đặt tay lên đầu một em bé Việt Nam trong đoàn và chúc lành. Sau khi xe rảo hai vòng chung quanh những lối đi trong quảng trường ngài trở về trên khán đài và chia sẻ bài Phúc Âm Người Mù Thành Giêrikhô (Lc 18,35-43) "Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? - Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy". với tất cả mọi người...
VIẾNG ĐỀN THỜ ĐỨC BÀ CẢ:
Đền thờ Đức Bà Cả cũng gọi là Vương Cung Thánh Đường Liberiô, được xây trên đồi Esquilinô thành Rôma. Truyền thuyết kể rằng đêm mồng 4 rạng mồng 5 tháng 8 năm 352, Đức Mẹ hiện ra với Đức Liberiô I, và truyền lệnh xây một đền thờ nơi chỗ nào có tuyết rơi trong đêm hôm đó. Sáng hôm sau Đức Giáo Hoàng đến đồi Esquilinô thấy có tuyết rơi, thời kỳ này là mùa hè mà lại xảy ra đúng như lời Đức Mẹ đã nói với ngài trong giấc mơ, vì vậy đền thờ này cũng được gọi là Đền thờ Đức Mẹ xuống tuyết. Từ đây ngài chọn nơi đây xây đền thờ kính Đức Mẹ năm 366. Đền thờ được Đức Sixtô III chỉnh trang và cung hiến năm 435 để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa mà Công đồng Ephesô đã tuyên tín năm 431. Gọi là đền thờ Đức Bà Cả vì là đền thờ đầu tiên và là một trong bốn Vương cung thánh đường lớn nhất tại Rôma. Đền thờ được xây dựng, mở rộng trùng tu nhiều lần qua nhiều thế kỷ. Tiền đường chính được xây thế kỷ XVIII. Tháp chuông kiểu Rôma tuyệt đẹp được hoàn thành năm 1377 và được kể là ngọn tháp cao nhất kinh thành Rôma.
Đền thờ Đức Bà Cả cũng còn có tên là Đền thờ Đức Bà máng cỏ, vì nơi nguyện đường này có máng cỏ Chúa Hài Nhi nằm được đưa từ Giêrusalem về đây.
Đền thờ Đức Bà Cả tôn kính ảnh Đức Mẹ lừng danh nhất do thánh Luca minh hoạ, gọi là Đức Mẹ nhân dân thành Rôma (Salus populi Romani), đã được đội triều thiên liên tiếp nhiều lần do Đức Clementê VIII, Đức Grêgôriô XVI, và Đức Piô XII ngày 01.11.1954, Năm Thánh Mẫu kỷ niệm 100 năm Đức Piô IX tuyên tín Đức Mẹ Vô Nguyên Tội. Dịp này Đức Piô XII với thông điệp Ad Caeli Reginam, tuyên ngôn vương quyền của Mẹ và thành lập lễ Mẹ Nữ Vương ngày 22 tháng 8. Trên trần và những bàn thờ tượng ảnh hầu như toàn mạ vàng, tất cả mọi cái đều rất qúy giá, hay là vô giá.
Viếng Vương Cung Thánh Đường Tông Tòa Giáo Hoàng Lateranô.
Ðền thờ Gioan Latêranô là nhà thờ chánh toà của Ðức Giáo Hoàng. Ðức Thánh Cha với tư cách là Giám Mục Roma, đặt ngai tòa của mình tại nhà thờ chánh tòa tại đây . Ðền thờ này được xây dựng vào năm 320 khi Giáo Hội Chúa Kitô, tượng trưng cho Tòa Thánh Roma vừa thoát qua khỏi một thời kỳ cấm cách, bắt bớ vô cùng khủng khiếp .
Ðền thờ này do công của Hoàng đế Constantinô xây dựng để tôn vinh danh Chúa và để dân Chúa có nơi tụ tập, đọc kinh cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích . Ðền thờ này đã được cung hiến vào khoảng thời gian trên. Lịch sử đã thuật lại rằng, khi hoàn tất ngôi thánh đường này, nhiều đoàn người khắp trong thành phố Roma đã tuôn đến để dự lễ khánh thành và hiệp ý trong nghi lễ cung hiến ngôi thánh đường dùng đặt ngai tòa của Ðức Giáo Hoàng là Giám Mục Roma.
Ngôi đền thờ Latêranô đã trải qua biết bao nhiêu biến cố, biết bao nhiêu thăng trầm của đạo Công Giáo, biết bao nhiêu thử thách, khó khăn của các thời Hoàng đế Roma trị vì. Biết bao nhiêu người đã tới thánh đường Latêranô để xin rửa tội, gia nhập đạo thánh Chúa trong những đêm phục sinh và mừng lễ vượt qua tại đây. Theo như cha giải thích thì tại đền thờ này có mộ phần của thánh Mathias tông đồ thứ 12 thay thế ông Giuđa phản Chúa. Và nhiều mộ của các tông đồ nhất. Phía trước mặt đền thờ có tượng thánh Phanxicô khó khăn và các bạn của ngài đến đây để xin gặp Đức Giáo Hoàng.
Nhà Nguyện cầu thang thánh (Scala Santa Monument)
Cầu thang thánh (Scala Santa Monument) với những bậc thang Chúa Giêsu đã đặt chân lên khi đến gặp tổng trấn Philatô (được Thánh nữ Hêlêna đem từ Israel về). chúng tôi đã đi bằng đầu gối qua 28 bậc thang để đến được đỉnh cầu thang đối diện với cung thánh.
THĂM ĐẤU TRƯỜNG CÔLÔSÊ
Đây là nơi gắn liền với lịch sử của Giáo Hội Công Giáo vì biết bao nhiêu người đã đổ máu đào tử đạo tại đây. Biết bao nhiều anh hùng tử đạo đã bị giết, bị nhốt và cho thú dữ dày xéo, ăn thịt. Những hạt giống tử đạo đó đã sinh ra nhiều hoa trái rất lạ kỳ, cho đến một ngày nào đó đã ướp đậm cả kinh thành nguy nga tráng lệ Rôma và trở thành Giáo Đô của Giáo Hội CÔNG GIÁO. Chúa Kitô đã phục sinh Giáo Hội như lời Ngài đặt tên cho người thuyền chài Phêrô là đá tảng, và qủy hỏa ngúc dù có công phá bao nhiều cũng không thể thắng được.
Đá Tảng này Ngài đã đặt tại đây và cửa hỏa ngục có công phá bao nhiêu cũng không thể lay chuyển được. Kế bên là một Khải Hoàn Môn, sau khi tham quan và chụp vài tấm ảnh làm lưu niệm thì trời đã chiều nên đoàn lên đường trở về nhà dòng Foyer dùng cơm chiều.
Cả một ngày hôm nay chúng tôi đã được tiếp kiến Đức Giáo Hoàng, đi thăm biết bao nhiêu là những di tích kỳ công của kinh thành Giáo Đô Rôma muôn thuở. Buổi tối trở về nhìn lại ngày sống và nghỉ ngơi để lấy sức cho hôm sau.
Thăm Đài phun nướcTrevi
Ở Roma có rất nhiều đài phun nước tráng lệ, song có lẽ nổi tiếng và đặc biệt hơn cả là đài phun nước Trevi, Đài phun nước Trevi cao 25.9m, rộng 19.8m, ở giữa đài phun là tương hai vị thần Neptune và Oceanus. Ban đầu đây là miệng của một máng dẫn nước thời La Mã cổ đại cung cấp nước cho thành phố từ nguồn nước tinh khiết cách đó hơn 10km. Năm 1730 Giáo Hoàng Clement XII tổ chức cuộc thi vẽ kiểu để xây dựng lại đài phun nước, công việc nâng cấp bắt đầu năm 1732 và hoàn thành năm 1762. Trevi là một công trình nổi tiếng nhất của thành Roma, đài phun nước Trévi là một trong những điểm thu hút du khách khi ghé thăm thành phố Rôma này.
Trung tâm của đài phun là bức tượng thần biển khổng lồ đứng trên cỗ xe được điều khiển bởi hai vị thần đầu người thân cá. Phía trên là bốn bức tượng đại diện cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
Người ta thường ném xuống đài phun nước những đồng tiền cắc cho các mơ ước riêng để có dịp quay lại Rome thêm một lần nữa. Như lời cha Khải nói, mỗi ngày có tới vài ba ngàn Euro được du khách ném xuống đây. Số tiền này Tòa thánh và chính phủ không lấy nhưng dành cho Caritas lấy mỗi tuần một lần để giúp những công việc bác ái.
Trở lên xe Bus tiếp tục đưa chúng tôi đi qua những khu phố và con đường đẹp nhất Rôma như cha Khải giải thích, Tòa nhà Quốc Hội, dinh Tổng thống v.v.. và v.v...
Thăm Giáo Xứ Đức Giáo Hoàng thánh Gioakim.
Cha dẫn chúng tôi tới thăm nhà thờ Giáo xứ ĐGH thánh Gioakim. Đây là nhà thờ của riêng Đức Giáo Hoàng, là qùa tặng của nhiều nước góp lại nên bên trong có nhiều nhà nguyện của mỗi nước đã góp phần tặng Đức Goàng trong đó.
Chúng tôi được cha Bề trên Giám Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Roma tại đây tiếp chuyện rất lịch sự và vui vẻ. Ngài cũng chia sẻ, kể chuyện ngài mới về thăm Việt Nam v.v... Ngài cũng dành cho chúng tôi một giờ chia sẻ và giải thích về nguồn gốc bức ảnh lừng danh thế giới và đã làm rất nhiều phép lạ. Đó là bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Chúng tôi được cha Bề trên Giám Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Roma tại đây tiếp chuyện rất lịch sự và vui vẻ. Ngài cũng chia sẻ, kể chuyện ngài mới về thăm Việt Nam v.v... Ngài cũng dành cho chúng tôi một giờ chia sẻ và giải thích về nguồn gốc bức ảnh lừng danh thế giới và đã làm rất nhiều phép lạ. Đó là bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Sau khi chia tay đoàn tới đền Đức mẹ Hằng Cứu Giúp Tổng Quyền trên toàn thế giới ăn trưa và nghỉ ngơi đôi chút. Buổi chiều dâng thánh lễ bế mạc Năm Thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại đền chính này. Có 5 Lm.Việt Nam đồng tế trong thánh lễ. Thêm một số Sơ và những người Công giáo Việt Nam nơi đây tới tham dự chung. Có cô bé Thanh Thanh ở đây là Oganistin tới giúp đánh đờn. Thánh lễ bế mạc Năm Thánh của dòng CCT trên toàn thế giới, lại được dành đặc biệt cho Việt Nam thật là vô cùng cảm động.
Chúng tôi cũng đặt ảnh của vị Đại Ân Nhận người Việt TNcs tại Đức trên cung thánh và cầu cho ông Dr. Rupert Neudeck và một bên là bức ảnh người di cư năm 1954 từ Bắc vào Nam chạy trốn cộng sản gồng gánh nhưng tay vẫn cầm theo khung ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. (Bức hình bằng ngàn lời nói.)
Cuối thánh lễ cha bề trên nhà tỉnh dòng thế giới có đến chia sẻ cám ơn và tặng đoàn hành hương bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp sau đó chụp ảnh chung.
Đoàn hành hương chúng tôi đã hoàn tất chặng đường như Giáo Hội mời gọi trong Năm Thánh LCTX này nên buổi tối hôm nay cha Khải đã nhận từ Tòa Thánh chứng chỉ rằng chúng tôi đã tham dự chương trình hành hương đầy đủ 7 nơi trong Năm Thánh LCTX. như Giáo Hội đã mong muốn và làm theo lời của Đức Giáo Hoàng.
Trong phái đoàn hành hương 49 người này tôi thấy rất đặc biệt. Có Giáo sư khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh, có Ông bà Bs. Hoàng Thị Mỹ Lâm-Hoàng Văn Thiên, và ông Ks. Lê Ngọc Châu đều là những người trí thức đang tìm hiểu học hỏi về đạo Công Giáo, (mong một ngày nào đó được tham dự lễ gia nhập đạo của Qúy vị thì qúy hóa lắm.) Kính xin Thiên Chúa chúc lành cho Qúy vị.
Thánh lễ tạ ơn và chia tay.
Thánh lễ tạ ơn và chia tay.
Sáng sớm ngày cuối cùng Phái đoàn dâng thánh lễ tạ ơn và ăn sáng chung. 9h xe Bus đưa chúng tôi ra Phi trường FIUMICINO và chia tay trở về Đức, Mỹ, Hòa Lan và Đan Mạch.
Cảm ơn qúy Lm. Qúy Sơ nhà dòng Foyer đã ưu ái phục vụ những bữa ăn thật ngon và đầy tình thương yêu như Lời Chúa dạy. Cảm ơn cha Giám Đốc Gioan Trần Mạnh Duyệt đã chia sẻ những lời thương yêu và còn ra tận xe đưa chân Phái đoàn. Cám ơn tất cả anh chị em đồng hành hương và đặc biệt cảm ơn Ông trưởng đoàn tổ chức Vicentê Nguyễn Văn Rị và Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải. Phải nói thêm rằng cha là một người rất giỏi về lịch sử đạo lẫn đời và nhiều lãnh vực khác nữa chứ không phải chỉ là nói về Công Lý và Nhân Quyền như từ trước tới nay mọi người đã biết.
Cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng con một tuần lễ hành hương về Thánh Đô Rôma tràn đầy hồng ân của "Lòng Chúa Thương Xót"
Một chuyến hành hương qúa tuyệt vời!
Lòng Thương Xót Chúa tựa mưa rơi
Năm Thánh Từ Bi tràn cõi thế
Làm sao chuyển tải hết thành lời
Cảm ơn Thiên Chúa, cảm ơn người
Anh em bốn biển tình chẳng vơi
Bạn bè năm châu đầy thương mến
Cầu chúc cho nhau mãi rạng ngời.
Trầm Hương Thơ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét