728x90 AdSpace

Latest News
Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

ATHEN XỨ SỞ CỦA CÁC ĐỀN ĐÀI

Đi đến Athens thủ đô của nước Hy Lạp thì cái đầu tiên là phải nói đến đền đài. Những đền đài cổ cả mấy ngàn năm tuổi vẫn còn nhan nhản ra đó. mặc dù có nhiều đền đài đã bị dổ nát theo dòng thời gian. 

Acropolis là một quần thể gồm ba ngôi đền lớn và có lẽ là quần thể thành cổ nổi tiếng nhất ở Athens, quần thể này còn được gọi là quần thể Đá Thiêng. Đây là di sản cổ xưa quan trọng nhất của đất nước Hy Lạp. Nó là điểm thu hút chính của Athens từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên và được dành riêng cho cho nữ thần Athena, là nữ thần trí tuệ và người bảo vệ thành phố thủ đô này. Đền Parthenon, là một trong ba ngôi đền Hy Lạp cổ đại nổi tiếng nhất từ ​​trước đến nay, vẫn tự hào đứng trên đĩnh đồi cao nổi bật lên giữa đỉnh trời của Athens. Đây là một sự minh chứng hùng hồn nhắc nhở về nền văn minh vĩ đại của Hy Lạp mà nhân loại đã chứng kiến. Khu quần thể thành cổ này có thể được nhìn thấy từ hầu hết mọi nơi của thành phố Athens. Không một du khách nào đến đây mà có thể bỏ qua quần thể nổi tiếng này.
Kịch Trường Herodes Atticus

Kịch trường Herodes Atticus này nằm ở sườn tây nam Acropolis Athens. Đã được xây dựng vào năm 174 (sau Công nguyên), Lúc đầu tiên chỉ là một đài tưởng niệm nhưng sau đó mới trở thành một kịch trường lớn. Kịch trường này được mang tên là Herodes, ông là người giàu có nhất vào thời điểm đó. Ông mang dòng máu Hy Lạp, nhưng lại là một công dân La Mã và được kính trọng ở đây và là người có khá nhiều quyền hành. Sau khi người vợ xinh đẹp và hiền từ của ông qua đời, làm cho ông đau buồn nên đã sống trong một thời gian dài trầm cảm. Từ từ sau này ông nghĩ lại và đã tìm được niềm vui đam mê mới để vượt qua nỗi đau khổ này, bởi có nhiều tiền lắm của cho nên ông cho xây một tượng đài ngay dưới đền Parthenon và đặt tên là “The Odeon of Rigilla” nhưng sau đó đổi thành “The Odeon của Herodes Atticus”. Kịch trường này lúc bấy giờ có sức chứa tới 5.000 người. Nhưng không có gì tồi tại mãi dưới ánh mặt trời này , những trận động đất mạnh đã làm đổ nát nhiều công trình vĩ đại, để chỉ còn ghi lại dấu tích của thời gian. 
"Trải qua bao cuộc bể dâu, 
những điều trông thấy mà đau đớn lòng"

Mãi đến những năm 1950 mới bắt đầu được khôi phục từ từ. Kể từ đó đến nay Kịch Trường này đã trở thành nơi tổ chức nhiều sự kiện  lớn như các buổi hòa nhạc của các ca sĩ từ nổi tiếng Maria Callas đến Elton John v.v...
Đền thờ Olympian Zeus

Kế đến là phải nhắc đến đền thờ Olympian Zeus. Ngôi đến này tôi không hiểu lý dó sao mà xây dựng kéo dài đến 700 năm mới xong. Ngôi đền rất lớn đã từng được tạo ra để tổ chức những cuộc thi đấu. Công trình vĩ đại này được Hoàng đế Hadrian hoàn thành vào năm 131 sau Công nguyên. Ngôi đền khổng lồ bao gồm 104 cột cao 17 m. Nhưng ngày nay chỉ còn lại 17 cây cột  đứng nguyên, còn lại chỉ là những đổ nát hoang tàn. ngày xưa người ta đã lấy đi nhiều đá để xây dựng những nơi khác. Mấy mươi năm nay không chỉ chính phủ nước Hy Lạp mà cả Âu Châu đã và đang khôi phục lại từ từ nhưng chắc chắn là còn lâu lắm mới có thể hoàn tất được. 
Cổng vòm của Hadrian

Arch of Hadrian được Hoàng đế Hadrian xây dựng vào năm 132 sau Công nguyên nhằm đánh dấu ranh giới giữa Athens cổ đại và thành phố mới của Hoàng Đế, nó dẫn thông vào trung tâm thế vận hội khi xưa. Đây cũng là một kỷ niệm của việc thánh hiến Đền thờ Olympian Zeus. Cổng vòm Hadrian nằm ở cuối đại lộ Amalias. Hầu như tất cả những khách du lịch đến thành phố cổ Athen đều ghé tham quan khu vực này và chụp tấm ảnh cho mình làm hỷ niệm.

Từ cổng vòm Hadrian đi vào trong trung tâm thành phố là những con đường buôn bán đủ thứ quán xá. Tôi không phải là người thích mua sắm nhưng mà nhìn ngắm những gian hàng thấy cũng mê lắm. Bởi vì những sản phẩm này với giá cả thì rẻ hơn bên Đức, Pháp hay Anh. Và nhiều cái đồ nhìn thấy cũng thích. Đồ ăn của Hy Lạp có nhiều món hấp dẫn, nhưng đa số là nướng nhừ phần thịt và ăn với Khoai tây hay bánh mỳ.

Nhà thờ Kapnikarea 
(tiếng Hy Lạp Εκκλησία της Παναγίας Καπνικαρέας) Được xây lên để dành riêng kính Đức Mẹ Maria. 
Nhà thờ được xây dựng thế kỷ XI trên nền móng của một ngôi đền cổ. Cái tên có lẽ đi liền với nghề sáng thủ công lập từ ngày xửa ngày xưa, nơi đây họ làm những tán lá hình trái tim bằng kim loại, để trang hoàng trên đường phố của thủ đô, hay trên cửa sổ những ngôi nhà gọi là 'Kapnikaris'. Năm 1834 Hoàng tử Otto con vua Hy Lạp dự định phá hủy nhà thờ để xây dựng lại một khu phố mới. Nhưng vì tầm quan trọng của lịch sử và nghệ thuật của nhà thờ nên vua Ludwig xứ Bavaria Đức đã thuyết phục Hoàng tử con vua Hy Lạp giữ lại nhà thờ. Cuối cùng thì Thánh đường này được giữ lại như xưa và gía trị của nó là ngàn năm tuổi. Cuối cùng vua cho xây khu phố Ermou ra xung quanh nhà thờ. 
Đền thờ Hephaestus 

Đây là đền thờ thần Hephaestus,theo truyền thuyết thần Hephaestus là con trai của thần Zeus và Hera. Đây là vị thần cai quản ngọn lửa, kim loại, các nghề thủ công và cả những ngọn núi lửa phun trào. Đền thờ của Hephaestus nằm cách trung tâm Athens 1 km, cách đến Acropolis khoảng 500m về phía tây bắc, được xây dựng vào năm 449 TCN. Đây là ngôi đền Hy Lạp cổ đại được bảo tồn tốt nhất trên thế giới.
Sân vận động Panathinaiko

Sân vận động ban đầu, nằm cách nơi này khoảng một km về phía đông, công trình được xây dựng vào khoảng năm 330 trước Công nguyên. Địa điểm này là trong một vùng trũng tự nhiên giữa các ngọn đồi Agras và Ardittos, để tổ chức Thế vận hội Panathenaic hàng năm. Lễ kỷ niệm quan trọng nhất của Athens giữa năm 140 và 144 sau Công nguyên. Sân vận động đã được mở rộng thêm bởi người bảo trợ Herodes Atticus.

Sau này đế quốc Hy Lạp suy tàn thì trong thời gian dài bị ngưng và hầu như biến mất hẳn cái sân vận động này.

Mãi đến thế kỷ thứ 19 trong cuộc tìm kiếm và khai quật của kiến ​​trúc sư người Đức là Ernst Ziller mới tìm thấy lại vào năm 1869 -1870. Sân vận động cổ có hình móng ngựa với chiều dài là 204.07 mét và chiều rộng 33,35 mét. Theo ước tính sân vận động cổ đại đã chứa được tới 50.000 khán giả. Dưới thời La Mã cai trị một bức tường hình vòm được dựng lên ở phía tây, và sân vận động được sử dụng như một đấu trường.
HIỆN TẠI

Sân vận động Panathinaiko đã được làm lại hoàn toàn vào năm 1895. Thiết kế bởi Zillers và kiến ​​trúc sư Anastasios Metaxas theo hình móng ngựa có chiều dài 236 mét. Các khán đài có thể ngồi khoảng 50.000 người, được xây dựng hoàn toàn bằng đá cẩm thạch với sự giúp đỡ của nhà tài chính Hy Lạp Georgios Averoff. Ngày nay cứ 4 năm lại có Thế vận hội ở một quốc gia, và ngọn lửa của Thế Vận Hội được đốt lên từ đây và chuyển đi đến nơi tổ chức.

CÔNG VIÊN QUỐC GIA: (Nationalgarten)
Đối diện với Sân vận động Panathinaiko bên kia đường là công viên Quốc Gia. 

Vào thời cổ đại một phần của địa điểm này là khu vườn riêng của nhà triết học và thực vật học Theophrastos của Eresos, người thừa kế sau là Aristotle. Sau này năm 1838 đến 1840 một khu vườn gồm 15,5 mẫu tây được mở rộng thêm ra để làm khu vườn  Hoàng Gia. Đến năm 1974 chuyển đổi sang chế độ Dân Chủ thì mới được gọi lại là Công Viên Quốc Gia cho đến ngày nay.

Đây là một địa điểm lý tưởng để đi dạo mát và tham quan trong những ngày ở đây, nhất là trong những ngày trời nắng đẹp mà đi dạo trong đây để ngắm các loài hoa và cây cảnh thì tuyệt vời!.
Có rất nhiều loại hoa và cây cối trồng trong đây như những hàng cây cọ rất đẹp, những cây cầu bắc ngang dòng suối chảy với những đàn cá koi bơi lượn bên dưới vòi nước phun thật đẹp. Nhưng tôi thích nhất là những hàng cam, bởi mùi hoa cam rất dịu dàng tỏa lan ra nơi đây người ta trồng rất nhiều mà không hái trái. Những chùm cam vàng ươm chín mọng trên cành nhìn rất mê nhưng mà không dám hái. Cả ngày hôm nay chúng tôi đi coi những khu đền đài và phố cổ, đồ ăn ở đây cũng khá rẻ chứ không đắt như ở mấy nước Tây âu. Đặc biệt từ khi Hy Lạp bị phá sản, bắt buộc các nước Âu Châu đứng đầu là Đức đã phải bỏ rất nhiều tiền ra giúp đỡ. Những điều kiện mà nước Hy Lạp phải ký cam kết để Đức và Âu Châu can thiệp vào vực nền kinh tế Hy Lạp dậy, là vấn đề thuế má phải rõ ràng. Bây giờ chắc vì thế mà chúng tôi mua bất cứ thứ gì họ cũng đều đưa hóa đơn cho mình cả, dù rằng món đồ đó được bày bán ngoài đường như Kem, trái cây hay những trang sức lặt vặt v.v...
Không phải ở trong tiệm mà những người bán hàng rong ngoài phố cũng vậy. Thậm chí buổi trưa nay tôi thấy có cậu trẻ đẩy xe đứng bán dâu tây và một số trái cây khác nên tôi mua nửa kí lô dâu tây, cậu cân cho tôi xong là đưa hóa đơn ngay mặc dù chỉ có 1 Euro vẫn có hóa đơn như thường. Hy vọng như vậy chính phủ sẽ có tiền thuế minh bạch và sẽ thu được nhiều tiền thuế hơn để xây dựng đất nước ngày cành vững mạnh. Một ít chia sẻ trong một ngày dài tham quan thành phố cổ Athens thủ đô Hy Lạp. 

Bài kế tiếp sẻ chia sẻ về những Vương cung thánh đường ở thủ đô Athens này kẻo bài viết sẽ dài qúa.

Trầm Hương Thơ 
2019
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: ATHEN XỨ SỞ CỦA CÁC ĐỀN ĐÀI Rating: 5 Reviewed By: Trầm Hương Thơ