Đường lên đỉnh núi Tabor
Non cao uốn khúc quanh co hữu tình
Non cao uốn khúc quanh co hữu tình
Đứng trên nhìn xuống quang minh
Nơi xưa Con Chúa hiển vinh sáng ngời.
Vâng, đã đi đến Do Thái ở vùng Gialilêa này hành hương thì nhất định phải đi đến một địa điểm mà có nhắc đến trong Phúc Âm Nhất Lãm khi Chúa Giêsu tỏ Vinh Quang với tông đồ của Ngài, đó là núi Tabor. Núi Tabor chỉ cách Biển hồ Galilêa có 17 cây số, lái xe độ nữa giờ là đến rồi, nhưng đây là lần đầu tôi tự lái xe đi cho nên vừa đi vừa mò mẫm đường, vừa quan sát hai bên quang cảnh và thú thật cũng vừa lo nữa.
Chắc là cũng có nhiều đường lối để đến đây nên cứ theo bản đồ GPS. mà chạy thấy nó dẫn mình đi qua nhiều cánh đồng có những chỗ như đi vào nương rẫy vậy nên cũng hơi ớn, nhưng chạy một hồi sau thì thấy núi Tabor cao nhất vùng đó đã hiện ra.
Núi Tabor cao hơn mặt nước biển 558 mét nên nhìn thấy nổi bật lên là biết ngay. Vào đến làng cứ nhắm hướng núi mà lái xe tới đến gần chân núi mới thấy bảng chỉ đường lên, lúc đó thực sự mới yên trí. Từ dưới chân núi lái xe lên chạy theo hình chữ chi núi rất dốc và những chỗ quẹo rất gấp, ngán nhất là xe mấy ông taxi, lên xuống nhiều và họ chạy nhanh để chở khách cho có tiền, ho quen đường qúa rồi nên nhiều khúc họ phóng xe rất nhanh, mình chỉ sợ đụng nhau là có xe bay xuống núi thì chết nên chạy thật cẩn thận nhất là những khúc cua cùi chỏ và tạ ơn Chúa đã lên đến đỉnh núi an toàn.
Ngày nay chúng ta đi bằng xe nên cũng không vất vả như trước đây chứ ngày xưa người ta phải đi bộ lên khoảng 4.340 bậc thang mới lên tới được đỉnh núi Tabor. Trong sách vở có ghi như vậy và lên đây chúng ta sẽ nhìn thấy những dấu tích của thời gian còn nằm đó. Những nhà khảo cổ học đã ghi lại nơi đây đã có con người sinh sống từ thời 7.000 năm trước Chúa giáng sinh.
Đứng đây nhìn xuống dưới những ngôi làng loanh quanh ở dưới chân núi thật đẹp và thơ mộng, rất thú vị. Nếu gặp ngày trời trong xanh chúng ta có thể nhìn tới chỗ núi của biển Hồ Galilêa, và tới Núi chỗ Nazareth được.
Trong Phúc Âm của thánh Luca đoạn 9, 28-36) có tường thuật như sau: "Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.
Đứng ngay giữa đỉnh núi Tabor này, vừa mát mẻ, vừa thơ mộng, vừa đẹp, bởi thế ba ông tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan được Chúa Giêsu thương mến dẫn lên đây, lúc Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha, chẳng biết ba ông lúc trước đó có cầu nguyện không? Nhưng khi đang ngủ mê mà lại chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người nên ông Phêrô mới quáng quàng nói đại. "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia".
Chứ thực sự ở trên đó thì lấy gì mà sinh sống.
Núi xưa và thời Trung cổ.
Bởi địa điểm quan trọng núi Tabor có liên quan đến dấu lạ của Chúa Giêsu nên trong truyền thống Kitô Giáo đã trở thành một địa điểm hành hương được bắt đầu từ thế kỷ thứ 4. Theo các mô tả của những người hành hương được ghi lại, thì trong thế kỷ thứ 6 đã có 3 nhà thờ trên đỉnh núi, và trong thế kỷ thứ 8 có 4 nhà thờ và một tu viện. Nhưng trải qua thời gian dài với sự xâm chiếm và chiến tranh nên đã bị tàn phá đi.
Sau đó những nhà nguyện nhỏ lại được dựng lại để hành hương, mãi đến năm 1919 thì các Linh mục và tu sỹ dóng thánh Phanxicô mới bắt đầu đươc phép xây dựng lại một ngôi thánh đường khang trang như hiện nay, và được khánh thành vào năm 1924. Nhà thờ này được xây ngay trên đỉnh núi Tabor, kiến trúc sư thiết kế nhà thờ này, cũng như các nhà thờ khác ở Israel, là Antonio Barluzzi. Nhà thờ được xây lên trên tàn tích của một nhà thờ thời Byzantine từ thế kỷ thứ 5 hoặc thứ 6 và thứ 12 Thập tự chinh. Còn các tu sĩ Phanxicô thì từ năm 1873 đã xây một nhà dòng ngay phía tay mặt khi ta từ ngoài đi vào gần bên cạnh nhà thờ này.
Nhà thờ được xây trên 3 gian dọc, cách nhau bởi 2 hàng cột giữ nóc vòm. Trong 2 tòa tháp chuông nhìn từ phía trước như là biểu tượng Chúa Giêsu và hai Tiên Tri vậy. Ở 2 bên lối vào là 2 nhà nguyện. Nhà nguyện phía bắc cung hiến cho Môisen bên trong có ảnh của ông khi nhận các tấm bia đá khắc 10 giới răn ở trên núi Sinai; còn nhà nguyện phía nam cung hiến cho tiên tri Elia trong đó có ảnh của ông khi đối đầu với các tiên tri của thần Ba,al ở Keren-Hakarmel.
Ở phần trên của nhà thờ, bên trên bàn thờ,
có một bức tranh khám Mosaic diễn tả lại việc chúa Giêsu biến hình, hai bên có hai tiên tri và có cả ba ông tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan nữa. Ngày lễ Chúa biến hình này cũng còn gọi là lễ Hiển dung nữa.
Mỗi năm vào ngày lễ này ở trên đây tổ chức hành hương rất đông người đến tham dự.
Chúng tôi vào đây lúc đang có thánh lễ của một phái đoàn hành hương từ Đài Loan ở bàn thờ chính. Tôi cầu nguyện một lúc rồi đi tham quan chung quanh và hai nhà nguyện phụ và chụp một ít hình ảnh đễ đưa vào bài viết. Ở ngay cửa mé bên phải chỗ vào nhà thờ có để quyền sách khá dày cho những ai đến đây hành hương có thể ghi vào những cảm nhận hoặc những lời nguyện, tôi ghi vội mấy dòng tâm sự cầu nguyện cho Quê hương đất nước Việt nam.
Quan sát chung quanh một lúc tôi lại vòng ra bên ngoài để xem lại những khu vực chung quanh bên ngoài. Bao nhiêu di tích cổ vẫn còn nằm đó, những nền và tường xưa của thánh đường như còn lưu luyến lại một thời đã qua. Những phiến đá, những nền móng họ đào lên còn đó, bây giờ chỉ còn trơ trọi lại với thời gian mà thôi, nhưng nó vẫn là những chứng tích lịch sử đến mãi sau này cho hậu thế.
Từ trong thánh đưòng đi ra tồi nhìn sang phía bên phải thấy có mái vòn của một nhà thờ Chính Thốn Giáo nên chụp tấm ảnh và tìm hiểi thì biết rằng: Hiện nay trên đỉnh núi Tabor này có 2 tu viện Kitô giáo, một thuộc Chính Thống Giáo Giáo Hội Đông Phương nằm ở khu vực đông bắc. Còn ngay chính giữa đỉnh núi là nhà thờ lớn này và một nhà dòng Phanxicô coi sóc đã có mặt ở đây từ rất lâu. Nhà dòng vừa mừng kỷ niệm 850 năm có các tu sỹ liên tục hiện diện ở nơi đây thuộc Giáo Hội Công Giáo Vatican.
Tôi ra ngoài này gặp rất nhiều phái đoàn đến đây hành hương trong đó có phái đoàn Đức rất đông nên tôi đến nghe vị Linh mục hướng dẫn bằng tiếng Đức. Nghe để hiểu và biết thêm phần nào vì tôi đến nơi này cũng là lần thứ ba rồi nên cũng đã biết khá khá về địa điểm này. Bóng chiều đã xế nên chúng tôi từ giã nơi này, tôi lái xe xuống núi theo con đường quanh co lượn khúc tuy có nguy hiểm nhưng rất là thú vị. Cái cảm giác hạnh phúc mà Chúa đã cho tôi được lái xe lên và xuống ngọn núi Tabor này rất là khó tả, chắc chỉ có ai tự lài xe lên đây và lái xuống mới cảm nhận được mà thôi. Tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những hồng ân mà Ngài đã ban cho.
Trầm Hương Thơ
Mùa xuân 2019
0 nhận xét:
Đăng nhận xét