728x90 AdSpace

Latest News
Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019

HÀNH HƯƠNG NHÀ THỜ MỘ CHÚA GIÊSU

Lần hành hương này tôi có nhiều thời gian ở Giêrusalem nên ghé thăm Vương Cung Thánh Đường mộ Chúa Giêsu nhiều lần.

Lần đầu là ngay hôm đầu tiên đến gia đình tôi đã ra thăm mộ Chúa Giêsu liền ngay buổi tối hôm đến đây. Hôm đó chúng tôi ra đây tầm 19 giờ tối nhưng chẳng hiểu tại sao hôm đó đông người qúa! Chúng tôi phải đứng xếp hàng hơn một giờ đồng hồ mới vào bên trong viếng mộ Chúa Giêsu được. Vào chỉ được tầm một phút là đã bị gọi ra cho người khác vào. Sau đó vì đi cả tuần lễ liền đã thấm mệt nên chúng tôi ra đi dạo thăm cổ thành một chút rồi về khách sạn nghỉ ngơi lấy sức cho hôm sau đi Betlehem.
Hôm nay là ngày thứ ba ở Giêrusalem nên chúng tôi muốn dành cả ngày hôm nay ở đây thăm viếng và tìm hiểu cho kỹ hơn. Đường ở trong cổ thành này rất khó định hướng vì những con đường qúa nhỏ và nhà cửa quán xá kín hết cho nên ta không nhì n thấy bầu trời hay bên ngoài nhiều để đi cho đúng hướng mình muốn tới. Từ khách sạn đến Mộ Chúa chỉ có 400m ấy thế mà lần nào đi cũng mất cả nữa tiếng mới tới được. Bởi cứ đi lòng vòng hoài, những con đường thì nhìn nó cứ giống nhau, có những con đường mình tìm không thấy tên đường đâu cả. Có nhiều khi thấy mà đọc tên cũng chả nổi nên đa số là cứ nhắm hướng mà đi nhưng có lúc vào đường cụt phải đi vòng lại, cũng vui lắm.

VIẾNG QUẦN THỂ NHÀ THỜ MỘ THÁNH 

Sở dĩ tôi phải dùng chữ quần thể là vì nơi đây không chỉ có nhà thờ Mộ Chúa Giêsu thôi, mà là một quần thể có hàng chục nhà nguyện nằm chồng chéo lên nhau và Vương Cung Thánh Đường nữa. Nếu mà chỉ viết về quần thể này chắc cũng được nhiều cuốn sách chứ một cuốn chắc viết không đủ đâu, nên trong bài này tôi chỉ chia sẻ vài nét chính nơi đỉnh đồi Golgotha mộ Thánh Chúa mà thôi. Từ cửa chính bước vào Vương Cung Thánh Đường Mộ Chúa phía bên phải đi lên cầu thang đó chính là nhà nguyện Chúa Giêsu Sinh Thì Trên Cây Thánh Giá. Đây cũng chính là đỉnh đồi Golgotha. Nhà nguyện này thuộc về Chính Thống Hy Lạp cai quản
Trên gian Cung thánh có tranh tượng dát bạc lộng lẫy của Chúa Giêsu trên Thánh Giá. 

Sách Tin Mừng của thánh Gioan thuật lại như sau: "Lúc ấy, đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình." (Ga 19, 25-27)

Có Đức Mẹ và người Môn Đệ Chúa Giêsu thương mến đứng hai bên. 
Dưới gầm bàn thờ có bức chân dung Chúa Giêsu mặc áo đỏ, đầu đội Mão Gai. Bức tranh đặt trên một đĩa bạc đánh dấu vị trí của Thánh Giá Chúa ngày xưa. Chúng tôi và khách hành hương xếp hàng vào kính viếng vị trí Thánh Giá Chúa. 

Ngay tại chỗ này có một lỗ tròn ta có thể thò tay xuống và chạm vào chỗ ngày xưa chôn cây Thánh Giá Chúa. Gia đình chúng tôi ai cũng thọc tay rờ xuống tảng đá này và cầu nguyện. Ở dưới chân phải của bàn thờ có lồng kính với đèn chiếu sáng rực, bên trong là tảng đá của Núi Golgôtha dưới chân Thánh giá đã bị nứt toang làm đôi khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng (Mt 27,51).
Phiến Đá Liệm Xác Chúa Giêsu.

Từ cửa chính của đền thánh Mộ Chúa đi thẳng vào chúng ta sẽ thấy một phiến đá màu hồng đó là "Phiến đá khâm liệm" Phía trên có một giá treo 8 chiếc đèn chầu bằng sứ trắng kiểu Chính Thống Giáo. Vị trí này  cũng là chặng đàng thứ 13. Truyền thống cho rằng đây là địa điểm mà ông Nicôđêmô và Giuse Arimathê đã khâm liệm Chúa Giêsu trước khi táng xác vào một huyệt đá mới gần đó chưa chôn táng ai (Ga 20,38-40).

Hôm nay phải nói là chúng tôi rất may mắn không có đông người chen chúc như hôm đầu tiên chúng tôi đến đây. Mỗi chặng trong đây thật thoải mái, chúng tôi qùy cầu nguyện nơi đây có lúc chỉ có gia đình mình trước tảng đá này. Dầu thơm trên phiến đá rất nhiều và những đường rãnh dầu thơm lênh láng, tiếc rằng không có gì để múc một ít đêm về nhà thôi.
Tôi vừa chạm tay vào phiến đá xoa xoa thì thấy bàn tay ướt đẫm mới biết rằng dầu nhiều thế. Thỉnh thoảng có vài người đến qùy cầu nguyện, tôi lấy cái mũ mà hàng ngày vẫn đội đi hành hương đặt lên trên phiến đá. Chếc mũ mà tôi rất thích vì có lá Hoàng Kỳ may trên đó, tôi thầm cầu nguyện và dâng lá Hoàng Kỳ này lên cho Chúa. Kính xin qua cuộc khổ nạn của Ngài mà cứu lấy Quê Hương Việt nam của chúng con. Con xin dâng đất nước Việt nam chúng con trong tay của Ngài.
Phía sau phiến đá trên tường có mấy bức tranh khảm mosaic, ba bức tranh từ phải sang trái là hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thánh Giá, khâm liệm và táng xác Chúa Giêsu vào huyệt mộ. Nhìn ngắm từng bức khảm một gợi lên bao nhiêu điều mà từ ngày còn bé tôi chỉ được nghe trong những kinh hạt, hay trong những đoạn Kinh thánh mà hôm nay mới cảm nhận được một cách sâu xa như thế. 

Đi về phía tay trái là hang mộ táng xác Chúa Giêsu. Hôm nay như đã nói phía trên khá vắng khách hành hương nên chúng tôi chỉ phải xếp hàng khoảng 10 phút là đã được vào bên trong để viếng Mộ Chúa Giêsu được rồi. 
BÊN TRONG KHÁM THỜ - MỘ THÁNH 

Thông thường, khách hành hương phải xếp hàng một vài giờ mới đến lượt vào viếng Mộ Thánh Chúa Giêsu trong "khám thờ" được. Trên vòm cửa vào khám thờ có 12 khung chân dung 12 tông đồ, còn khung ở giữa là hình Chúa phục sinh. Một vị tu sĩ Chính Thống giáo luôn túc trực trước cửa khám, chỉ cho phép từng 3 người vào viếng mỗi lần. Khám thờ chia ra hai gian, đây cũng là hai nhà nguyện, mặc dù diện tích mỗi gian rất hẹp. 

Nhà nguyện Thiên Thần ở gian ngoài dâng kính hai Thiên Thần canh cửa mộ. 

Tin Mừng trong Gioan biết rằng: "Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu." Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết." (Ga 20,1-9)
Giữa Nhà nguyện có một hộp bằng đá cẩm thạch khoảng nửa mét vuông, đựng một phần "Tảng đá che cửa mộ" lộng kính và luôn 2 ngọn nến cháy sáng. Kế tiếp là cửa nhà nguyện Mộ Chúa Giêsu, chạm trổ rất đẹp và tinh xảo. Qua cửa này để vào gian huyệt Mộ Chúa Giêsu cực Thánh. Đây là huyệt mộ đặt Thi Hài Chúa, được đục rộng thành một gian phòng chừng 3m vuông. Một bệ đá hồng nguyên thủy đặt xác Chúa, cũng được dùng làm Bàn thờ của nhà nguyện. (Cuộc đời tôi đã rất may mắn được cùng đứng bên trong đây dâng thánh lễ 2 lần trước rồi "1997 và năm thánh 2000").

Trên phiến đá bàn thờ luôn có một cái khay cắm những ngọn nến nhỏ nhỏ của Chính Thống Giáo hay dùng. Ngọn nến này chỉ như chiếc đũa, được làm bằng sáp ong thật vàng óng và cháy hết hoàn toàn, không nhiễu sáp thừa xuống đất. Bên phải là ảnh Chúa sống Lại.
Trước bàn thờ có tấm phướn bằng nhung đỏ ghi dòng chữ Hy Lạp: XPICTOC ANESTH (Kristos Anestê) có nghĩa là: Đức Kitô đã sống lại. Ở viền nổi của kệ có khắc hàng chữ khá nhỏ bằng tiếng Latinh, ghi lại lời của Thiên Thần loan báo với các phụ nữ ra Mộ: “Surrexit, non est hic, ecce locus ubi posuerunt eum! Ngài đã trỗi dậy rồi, không còn ở đây nữa, đây là chỗ người ta đã đặt Ngài!" (Mc 16,6). Thật may hôm nay ôn tu sỹ Chính Thống Giáo rất dễ thương cho ở trong này lâu hơn hôm trước. Tôi qùy hôn bàn thờ nơi mộ Chúa Giêsu và cầu nguyện, xin Ngài thương xót con là kẻ có tội, xin Ngài đón nhận tất cả tội lỗi cuộc đời con mà chôn theo cùng vào huyệt mộ của Ngài. Con Xin dâng cuộc đời con và con xin dân Đất Nước Việt Nam của con lên Ngài, xin Ngài phù trợ và chở che Amen. 
Trước khi từ trong đi ra tôi cũng ghi lại vài tấm hình để lưu niệm và luôn nhớ để tạ ơn Ngài. Hôm nay thật là thoải mái hết sức, cầu nguyện hay chụp ảnh mấy tu sỹ chẳng nói gì cả, mọi người đều vui vẻ. Chúng tôi đi ra ngoài thấy ít người nên lại chỗ có phiến đá cầu nguyện tiếp, sau đó bàn nhau đi lên lầu một lần nữa nơi Chúa Sinh thì trên cây Thánh Giá để kính viếng và sờ tay xuống nơi xưa dựng cây Thánh Giá Ngài. Trên đây có nhà nguyện và ghế ngồi rất thoải mái. 
Có một linh mục Chính Thống Giáo nói mọi người ngưng lại và đọc kinh lần chuỗi. Chúng tôi ngồi tham gia theo, Linh mục đọc kinh gì tôi không biết, chí thấy đọc khá nhanh và lập đi lập lại giống nhau và nhiều lần. Họ làm dấu Thánh giá ba lần liên tiếp và từ phải sang trái. Có khi thấy họ làm dấu thánh giá liên tục mình chẳng hiểu gì cả nhưng mà chắc chắn Chúa hiểu hết.
Chúng tôi đi vào trong và xuống hầm kính viếng một số nhà nguyện như nhà nguyện Ông ADam. Nhà Nguyện kính thánh Hêlêna
v.v....
Sau đó đi ra phố đêm Giêrusalem By night thật là đẹp và thú vị. 

Một buổi chiều và tối vô cùng ý nghĩa và đầy hạnh phúc trong cuộc đời.

Trầm Hương Thơ_2019
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Item Reviewed: HÀNH HƯƠNG NHÀ THỜ MỘ CHÚA GIÊSU Rating: 5 Reviewed By: Trầm Hương Thơ