Ngày xưa khi còn trẻ ở Việt Nam tôi chỉ biết có Martinô de Porres, Đền thánh Martinô thuộc Hạt Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc. Trước khi đi vượt biên vào đầu thập niên 80 tôi có đến đó để cầu khấn với ngài.
Khi ra hải ngoại này tôi mới biết thêm về một vị thánh Giám Mục Martinô thành Tours. Mỗi năm vào ngày 11.11 Giáo Hội dành ngày này để kính ngài. Các trẻ em ở Đức và một số nước ở Âu châu thì đi rước đèn thánh Matinô để vui chơi và quyên góp cho việc từ thiện với chủ đề thường lệ là: "Áo ấm cho người nghèo"
Dựa theo câu chuyện ngài chia áo cho người ăn xin nơi cổng thành Amiens. Ở Âu châu này người ta rất đề cao việc Bác Ái này, vì vậy ngài luôn có một chỗ đứng đặc biệt đối với họ. Trong những nhà trẻ ở Đức câu chuyện thánh Matinô chia áo cho người ăn mày luôn được các trẻ em học thuộc lòng.
Ngôi mộ của Thánh Martinô ở thành Tours trở thành một trong những ngôi đền,một Vương Cung Thánh Đường nổi tiếng nhất ở Âu châu này.
Hôm nay chúng tôi rất may mắn được đến nơi đây hành hương kính viếng ngài ở tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Matinô thành Tours. Trước ngày lễ Giáo Hội mừng kính ngài này, đây thực sự là một điều rất thú vị và vô cùng hạnh phúc.
Sáng nay sau khi ăn sáng ở khách sạn tại thành phố Laval nước Pháp chúng tôi quyết định đi thành Tours cách 2 giờ lái xe. Chúng tôi vừa đi vừa ngoạn cảnh cho nên đến nơi cũng đã trưa. Nơi đầu tiên ở Tours chúng tôi đến là Vương Cung Thánh Đường thánh Martinô Giám Mục thành Tours. Đây là một nhà thờ khá đẹp và rộng rãi, trên đỉnh vòm màu xanh lợt và trên cao nhất có tượng của ngài đứng trên đó với mũ và tay cầm gậy Giám Mục.
Chúng tôi đi vào bên trong kính viếng thì thấy có các Sơ đang hướng dẫn một buổi lần hạt và cầu nguyện cùng mấy thầy dòng và giáo dân. Chúng tôi cùng tham gia hiệp nguyện để cầu nguyện cho Quê hương Việt Nam trong cơn nguy khốn này. Kính xin Thánh Giám Mục Martinô cầu bầu cùng Thiên Chúa và Đức Mẹ giải thoát cùm gông cho dân tộc chúng con mau hết nạn cộng sản vô thần. Để đất nước và người dân chúng con có được một cuộc sống an vui bình an và tự do, hạnh phúc. Sau khi cầu nguyện chấm dứt tôi thấy nhiều người đi lên hướng cung thánh bên phải và xuống cầu thang nên tôi cũng đi theo xuống nhà nguyện bên dưới bàn thờ.
Khi xuống đây tôi mới biết rõ là mộ của ngài được chôn tại nơi đây. Trước đó tôi có đọc về Vương Cung Thánh Đường này nhưng lại nghĩ là mộ ngài ở trên ngay sau bàn thánh. Xuống đây qùy cầu nguyện với ngài một chập tôi đi quanh mộ quan sát và chụp mấy tấm ảnh để đưa vào bài viết này.
Ngay bên trên ngôi mộ chỗ bên phải có một khung kính tròn và bên trên có một phần xương sọ của ngài trong đó. Họ đặt trên đó cho khách hành hương đến kính viếng nhưng được rào trong khung sắt và khóa lại cẩn thận, tôi cố gắng lắm mới chụp được tấm ảnh này.
Bên dưới đây có lò sưởi ấm áp và nhà nguyện cũng rộng rãi nên chúng tôi ở trong đây đốt nến và cầu nguyện với ngài khá lâu. Bữa nay nơi đây bên ngoài trời đang mưa gió và hơi lạnh nên ở đưới đây thật là lý tưởng. Hơn nữa trong đời mình đây là lần đầu tiên đến đây và cũng chẳng biết là có còn dịp để trở lại đây một lần nữa hay không, nên ở lại được bao lâu thì qúy bấy lâu. Cầu nguyện đã lâu, chúng tôi đi lên trên Vương Cung Thánh đường tham quan một vòng chung quanh.
Nhìn thấy họ có treo ảnh Đức Thánh Giáo Hoàng Goan Phaolô II đã đến đây hành hương và qùy trước mộ của thánh Martinô cầu nguyện nên tôi chụp lại. Theo tấm bảng ghi là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến đây hành hương ngày 22.09.1996. Như tôi đã nói ở trên đầu bài là Thánh Giám Mục Martinô thành Tours là một thánh lớn của Âu Châu, Người Âu Châu họ rất kính mến ngài nên phân mộ của ngài là nơi hành hương lớn của những người Âu châu, thánh nhân luôn có một chỗ đặc biệt đối với họ. Chúng ta không lạ là khi thấy Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến nơi đây hành hương.
Bây giờ vắng người tôi mới để ý thấy những cây cột bằng đá cẩm thạch rất đẹp của Vương Cung thánh đường này. Nhưng theo sách vở thì đây là Vương cung thánh đường được xây lại vào năm 1887 và khánh thành thánh hiến năm 1925 trên phần một của Thánh Giám Mục Martinô thành Tours. Thật ra nơi đây từ năm 471 đã có một Vương Cung Thánh Đường đồ sộ vào bậc nhất của Âu Châu này. Và là một nơi quan trọng hành hương của Âu Châu, là một trung tâm đào tạo các tu sĩ và giáo sĩ ngày xưa. Trung tâm này đã bị đốt cháy và phá hủy đi nhiều lần nhưng sau đó vẫn được tu sửa lại.
Đến năm 1789 cách mạng pháp nó đã bị phá hủy đi gần như hoàn toàn. Nay chúng ta đến đây thì sẽ nhìn thấy họ còn giữ lại hai tòa tháp cao để ghi nhớ lại dấu tích một thuở huy hoàng cũa năm xưa nữa mà thôi. Vương cung thánh đường ngày nay nhỏ hơn cái ngày xưa rất nhiều. Thật là tiếc nuối một công trình đồ sộ huy hoàng đã không còn nữa, đã bị những con người nhân danh vô thần phá hủy đi không thương tiếc...
Tạ ơn Chúa đã cho chúng con được đi đến những nơi các thánh và hành hương này.
Tóm lược về Thánh Giám Mục Martinô thành Tours.
- Martinô sinh ra khoảng năm 315 miền Pannonia Hungaria là con của một sĩ quan. Cha mẹ Ngài đều là lương dân.
- Ngài đã ghi tên làm dự tòng lúc 15 tuổi. Martinô nhập ngũ và sớm được phái sang miền Gaule ngoại đạo nước Pháp.
- Các binh sĩ trong trại sống không gương mẫu gì, nhưng Martinô tin vào Chúa Kitô nên sống như một Kitô hữu. Ngài phân phát một phần tiền lương cho người nghèo và có những hành vi bác ái ít người có được.
- Ở cửa thành Amiens một ngày mùa đông, chàng hiệp sĩ sẽ trẻ gặp người ăn xin dường như trần truồng. Martinô nói: Tôi chỉ có áo quần và khí giới. Rồi rút kiếm ra, cắt nửa chiếc áo choàng chia cho người ăn xin.
- Câu chuyện kết thúc với giấc mơ trong đó Martinô thấy Chúa Kitô hiện ra mặc nửa chiếc áo và nói với các thiên thần: Chính Martinô đã mặc cho Ta đây.
- Khoảng 20 tuổi, Martinô lãnh nhận phép rửa tội. Martinô xin cấp chỉ huy để được từ nhiệm: Tôi là binh sĩ Chúa Kitô, thật sái nếu tôi phải phục vụ trong quân ngũ. Martinô được giải ngũ có năm 339.
- Danh tiếng của thánh Hilariô Giám mục Poitier đã thu hút Martinô trở thành môn đệ của Ngài. Thánh Hilariô đã bị những người theo Kitô bắt đi đày. Ngài rút vào một tu viện gần Milan, nhưng bị những người theo lạc giáo săn đuổi và chạy ẩn vào một hoang đảo gần Ghênes. Ngài gặp lại thánh Hilariô trên đường lưu đày trở về và xây dựng ở Poitiers một nơi ẩn tu mà chẳng bao lâu đã trở thành cộng đoàn của các nhà ẩn tu.
- Ngài được chọn làm Giám mục thành Tour vì danh tiếng và sự thánh thiện của Ngài. Nhưng để đưa được Ngài ra khỏi tu viện, người ta phải kiếm cớ là có bệnh nhân ở Tours cần được chữa khỏi. Thầy dòng vội vã ra đi nhưng chỉ gặp và một số Giám mục đến tấn phong cho Ngài ngày 4 tháng 7 năm 371.
- Vị tân Giám Mục vẫn giữ được chiếc áo len thô, ngai tòa Ngài là một chiếc ghế đẩu bằng gỗ. Càng nặng trách nhiệm Ngài càng cảm thấy cần hồi tâm. Ngài lập tu viện Marmoutiers với chủng viện và nhà trường. Các linh mục được đào tạo tại đó để nâng hàng giáo sĩ buông thả lên.
- Công cuộc truyền giáo của thánh Martinô mở rộng khác thường. Đời sống luân lý của dân quê thật khắc khổ. Thiên Chúa luôn giúp đỡ Ngài. Ở Ambroisé có một ngôi đền vĩ đại thờ thần Mars. Không ai dám nghĩ đến việc phá đổ. Martinô cầu nguyện suốt đêm. Hôm sau một cơn bão lớn nổi lên phá đổ ngẫu tượng. Một nhà thờ được dựng lên và thế là giáo xứ Ambroise được thành lập.
- Tới 80 tuổi, thánh Martinô vẫn truyền giáo không mệt mỏi. Ngài còn chuộc các tù nhân, tham dự các cộng đồng. Ngài chỉ nghỉ ngơi đôi chút nơi các tu sĩ của mình. Trong một sứ vụ cuối tại địa phận, khi thấy cái chết tới gần, thánh Martinô báo cho môn đệ biết, nhưng vẫn dâng lao lực của mình cho Chúa.
- “Lạy Chúa, nếu dân Chúa còn cần đến con, con không từ chối đau khổ và công việc nào, nguyện cho ý Chúa được thực hiện”.
- Đó là những lời sau cùng trước khi Ngài chết vào ngày 8 tháng 11 năm 379. Ba ngày sau ngày được mai táng ở Tours. Ngài là vị thánh đầu tiên không phải là tử đạo. Mộ của Ngài ở Tours là thành trì vững chắc chống lại dân man di. Toàn dân Pháp và các vị thánh của nước này suốt nhiều thế kỷ vẫn hành hương để khấn cầu ngài che chở.
Truyền thống Lễ Thánh Martinô và rước đèn của trẻ em Đức
Ở nhiều vùng của Đức, Áo, Thụy Sĩ, Luxembourg, cũng như ở miền đông Bỉ, cứ đến ngày lễ Thánh Martin là dịp phổ biến rước đèn của trẻ em.
Trong đám rước trẻ em với đèn lồng lang thang trên đường phố làng và thị trấn. Họ thường đi cùng với một người cưỡi ngựa, người đó đại diện cho thánh Martin là một người lính La Mã với chiếc áo khoác màu đỏ. Ở Bregenz, phong tục này được gọi là Martinsritte.
Thông thường là việc quyên tặng áo ấm cho người ăn xin. Đoàn rước hát những bài hát martinô, thường đi kèm với một ban nhạc kèn đồng. Những chiếc đèn lồng thường được làm trong lớp học của các trường tiểu học và mẫu giáo.
Vào tháng 10 năm 2017, một sáng kiến của 73 hiệp hội Saint-Martins đã được áp dụng để công nhận truyền thống Di sản văn hóa phi vật thể của họ theo định nghĩa của UNESCO. Martinszüge.
Kỷ lục cuộc rước lớn nhất của St. Martin ở Đức với 8.000 người tham dự.
Trầm Hương Thơ
11.11.2019
0 nhận xét:
Đăng nhận xét